GIẢI ĐÁP TẤT TẦN TẬT VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC

TutorX Library
GIẢI ĐÁP TẤT TẦN TẬT VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC
08/03/2025

    Bậc tiểu học là nền tảng quan trọng trong hệ thống giáo dục, vì vậy nhiều bậc phụ huynh luôn quan tâm đến chương trình học và sự phát triển của con em mình. Để giúp quý phụ huynh giảm bớt phần nào lo lắng, The TutorX sẽ giải đáp những thắc mắc phổ biến về giáo dục tiểu học trong bài viết này.

    Học sinh tiểu học bao giờ đi học?

    Thời gian nhập học của học sinh tiểu học

    Học sinh tiểu học ở Việt Nam thường nhập học vào khoảng giữa tháng 8 hoặc đầu tháng 9 hằng năm, tùy theo khung kế hoạch do Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) ban hành cho năm học đó.

    Theo Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT năm 2024, thời gian tựu trường năm học 2024-2025 của học sinh tiểu học là ngày 26/8 và lễ khai giảng chính thức diễn ra vào ngày 5/9/2024.

    Hiện tại, chưa có lịch tựu trường năm học 2025-2026. Phụ huynh nên theo dõi thông báo từ nhà trường hoặc các cơ quan giáo dục địa phương để nắm rõ thời gian nhập học của học sinh tiểu học và chuẩn bị tốt nhất cho con em mình.

    Độ tuổi nhập học của học sinh tiểu học

    Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bậc tiểu học kéo dài 5 năm, dành cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi, bao gồm các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5. Như vậy, trẻ em đủ 6 tuổi sẽ bắt đầu tham gia chương trình giáo dục bậc tiểu học. 

    Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ có thể nhập học sớm hoặc muộn hơn một năm so với độ tuổi quy định.

    • Nhập học sớm: Trẻ chưa đủ 6 tuổi nhưng có năng lực học tập vượt trội.
    • Nhập học muộn: Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (bệnh tật, điều kiện gia đình khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa...)

    >>> Xem thêm: Gia sư tiểu học tại nhà tốt nhất cho con

    Thời gian học của học sinh cấp 1

    Nhiều phụ huynh quan tâm đến giờ vào lớp và giờ tan học của con để sắp xếp thời gian đưa đón hợp lý, tránh để trẻ chờ đợi lâu sau giờ tan học hoặc vội vàng, gấp gáp vì trễ học. Điều này đặc biệt là mối lo của những phụ huynh có con học lớp 1 vì đây là lần đầu tiên họ đưa đón con đến trường.

    Vậy học sinh cấp 1 mấy giờ vào lớp? Mấy giờ tan học? The TutorX sẽ giải đáp ngay bây giờ.

    Theo Mục 1.1 Điều 1 chương trình tổng thể của Phụ lục Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT, thời lượng giáo dục cấp tiểu học được quy định như sau:

    • Học 2 buổi/ngày, mỗi ngày tối đa 7 tiết học, mỗi tiết học kéo dài 35 phút.
    • Đối với các trường chưa đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày, nội dung giảng dạy sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp, đảm bảo đủ thời lượng các môn học theo chương trình quy định.

    Giờ vào lớp và giờ tan học của học sinh tiểu học sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo của từng tỉnh/thành phố quy định. Thông thường, thời gian học của học sinh cấp 1 được áp dụng như sau:

    Giờ vào học của học sinh cấp 1:

    • Buổi sáng: Học sinh bắt đầu tiết học đầu tiên vào lúc 7h00, một số trường có thể yêu cầu học sinh vào lớp từ 6h45 để ổn định chỗ ngồi và chuẩn bị bài học.
    • Buổi chiều: Lớp học buổi chiều thường bắt đầu từ 12h30,một số trường có thể yêu cầu học sinh vào lớp từ 12h15 để ổn định nề nếp.

    Giờ tan học của học sinh cấp 1:

    • Buổi sáng: Học sinh tan học vào khoảng 11h00.
    • Buổi chiều: Thời gian kết thúc buổi học vào khoảng 16h30.

    Ở một số trường tư thục hoặc trường quốc tế, thời gian học có thể được điều chỉnh sớm hoặc muộn hơn so với các trường công lập. Ngoài ra, nhiều trường còn tổ chức các lớp ngoại khóa hoặc hoạt động kỹ năng sau giờ học chính.

    Tại các khu vực thành phố lớn, một số trường triển khai mô hình học bán trú để học sinh có thể nghỉ ngơi ngay tại trường mà không cần phụ huynh đưa đón giữa các buổi.

    Vậy thời gian học của học sinh lớp 1 có khác gì không? Về cơ bản, thời gian học của học sinh lớp 1 tương tự các khối lớp khác trong bậc tiểu học. 

    Tùy theo điều kiện thực tế, hiệu trưởng các trường tiểu học sẽ chủ động sắp xếp về kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 

    Để biết chính xác lịch học của con, phụ huynh nên liên hệ trực tiếp với nhà trường để cập nhật thông tin cụ thể.

    Tiêu chuẩn lớp học tiểu học bao nhiêu học sinh?

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Điều lệ ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, việc tổ chức lớp học được thực hiện như sau:

    • Học sinh được tổ chức theo từng lớp học, với mỗi lớp không quá 35 học sinh.
    • Mỗi lớp có một giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm quản lý và giảng dạy.
    • Mỗi lớp học hòa nhập có tối đa 02 học sinh khuyết tật.
    • Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu có điều kiện phù hợp, hiệu trưởng có thể bố trí thêm học sinh khuyết tật vào lớp để đảm bảo quyền học tập cho các em.

    Ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trường học có thể tổ chức lớp ghép với các quy định như sau:

    • Một lớp ghép có tối đa 02 nhóm trình độ.
    • Trường hợp đặc biệt, số nhóm trình độ có thể tăng lên tối đa 03 nhóm nhưng phải có sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
    • Sĩ số của lớp ghép không được vượt quá 15 học sinh để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

    Như vậy, theo quy định hiện hành, sĩ số lớp học tiểu học được giới hạn không quá 35 học sinh đối với lớp học thông thường và không quá 15 học sinh đối với lớp ghép. 

    Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh điều gì?

    Theo chương trình giáo dục tiểu học hiện nay do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, mục tiêu cốt lõi là giúp học sinh phát triển toàn diện trên các phương diện sau:

    Kiến thức

    Ở tiểu học, các em được học những kiến thức cơ bản nhưng rất quan trọng.

    Môn Toán giúp các em làm quen với con số, phép tính, tư duy logic. Môn Tiếng Việt giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, diễn đạt suy nghĩ một cách mạch lạc.

    Ngoài ra, các môn Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử, Địa lý giúp trẻ hiểu hơn về thế giới xung quanh, quê hương, đất nước. 

    Bên cạnh đó, nhiều trường cũng dạy Tiếng Anh, giúp các em làm quen với ngoại ngữ từ sớm

    Kỹ năng

    Bên cạnh kiến thức, chương trình giáo dục tiểu học còn chú trọng rèn luyện kỹ năng. Học sinh được trau dồi kỹ năng giao tiếp thông qua các hoạt động thảo luận nhóm, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua thực hành các bài tập.

    Một số trường còn dạy kỹ năng sử dụng công nghệ, giúp học sinh làm quen với tin học cơ bản để tiếp cận tri thức một cách hiện đại hơn.

    Đạo đức

    Bên cạnh kiến thức và kỹ năng, học sinh tiểu học được dạy về lòng trung thực, tinh thần trách nhiệm, sự lễ phép với người lớn, biết cách cư xử đúng mực với bạn bè. 

    Các em cũng được hướng dẫn về ý thức công dân, biết yêu thương gia đình, tôn trọng thầy cô và tuân thủ nội quy trường lớp. 

    Đây là những bài học nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, giúp các em xây dựng nhân cách tốt đẹp ngay từ nhỏ.

    Thể chất

    Học tập tốt thôi chưa đủ, các em cũng cần được rèn luyện thể chất để có một cơ thể khỏe mạnh. 

    Trong các tiết Thể dục, các em được tham gia vào nhiều hoạt động vận động nhằm tăng cường thể lực, rèn luyện sự linh hoạt và dẻo dai, từ đó nâng cao sức bền và khả năng phối hợp cơ thể.

    Thông qua môn Tự nhiên & Xã hội, học sinh được trang bị những kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe bản thân, bao gồm việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và hiểu rõ các biện pháp phòng tránh bệnh tật.

    Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật cũng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, là cơ hội để các em học sinh khám phá năng khiếu và phát triển tư duy sáng tạo.

    Qua những chia sẻ vừa rồi, The TutorX hy vọng đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc của mình. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất!

    Bài viết tương tự
    Hotline
    zalo